Bệnh và điều trị

LỊCH CHỦNG NGỪA VACCINE CHO GIA CẦM, THỦY CẦM

 31,791 lượt xem

Trong chăn nuôi gia cầm, kể cả mô hình nông hộ nhỏ lẻ hay chăn nuôi trang trại công nghiệp, người chăn nuôi đều cần phải nắm được các loại vacxin cần dùng và lịch tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm nhằm tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại. Để đáp ứng nhu cầu này, Eco Nam Dũng giới thiệu về các loại vacxin cho gà, vịt và lịch tiêm phòng chi tiết áp dụng để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xuất hiện trong chăn nuôi gia cầm, thủy cầm.

Dùng vaccine chủ yếu là phòng bệnh và sau khi tiêm vaccine một thời gian nhất định vật nuôi mới có khả năng tự miễn dịch, vì vậy khi tiêm vaccine cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau:

– Đối tượng tiêm phòng:
+ Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa.
+ Ở nơi bệnh đang phát thì không được tiêm vaccine đối với những gia cầm đã mắc bệnh mà phải dùng kháng huyết thanh hoặc kháng sinh thích hợp để điều trị.
+ Nên tiêm phòng cho gia cầm trước 15 – 20 ngày trong trường hợp vận chuyển đi xa và sau 20 – 30 ngày trong trường hợp nhập từ nơi khác về.
+ Vaccine phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

– Hiệu lực của vaccine:
+ Tình trạng sức khỏe sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vaccine. Chỉ tiêm phòng khi gia cầm có thể trạng khỏe mạnh vì lúc đó gia cầm mới có khả năng đáp ứng miễn dịch cao. Không tiêm vaccine cho những con đang nung bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con đang gặp stress.

– Thời gian vaccine tác dụng:
Sau khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau 2 – 3 tuần. Trong thời gian đó, con vật chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh. Hiện tượng này có thể dẫn đến những nhận định sai lầm vì cho rằng vaccine không có hiệu lực, vaccine gây ra phản ứng hoặc vaccine gây bệnh.

– Liều sử dụng vaccine:
Cần sử dụng vaccine (cho uống, nhỏ mắt hoặc tiêm) đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Nếu thấp hơn liều quy định sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine, nếu tiêm liều cao hơn có thể làm tê liệt miễn dịch hoặc gây ra phản ứng phụ.

– Kiểm tra lọ vaccine trước khi sử dụng:
Trước khi sử dụng bất cứ lọ vaccine nào cũng cần phải kiểm tra những chi tiết về thông tin trên nhãn, tình trạng vỏ lọ và vaccine trong lọ để đảm bảo dùng đúng loại, còn hạn sử dụng, vỏ lọ không có hư hại, vaccine không có dấu hiệu bất thường (về màu sắc, vón cục, có vật thể lạ,…)

 Thao tác khi sử dụng vaccine:
+ Khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vaccine bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng.
+ Sát trùng bằng cồn 70 độ: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vaccine.
+ Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vaccine

– Bảo quản vaccine:
– Vaccine phải được bảo quản đúng kỹ thuật: tránh ánh sáng, râm mát, nhiệt độ bảo quản thích hợp. Vaccine nhược độc được điều chế từ virus phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-15°C) trong quá trình tích trữ và vận chuyển, nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì cần được bảo quản lạnh ở 1 – 4°C.
– Phải hủy bỏ vaccine quá hạn dùng, đối với vaccine còn thừa nên tiêu hủy ở những nơi quy định, không vất bỏ bừa bãi, để không tạo ra biến chủng phức tạp cho việc phòng bệnh sau này.

Chia sẻ ngay:
Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+

Có thể bạn quan tâm

Scroll to Top